Silent Harmonies - Chữa lành với nghệ thuật và công nghệ lấy con người làm trung tâm
Từ khóa: Nghệ thuật và công nghệ, nghệ thuật và thiết kế, chữa lành, thiết kế lấy con người làm trung tâm, phát triển bền vững
Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion 2024 (ATF24) của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), phiên thảo luận “Silent Harmonies: Healing with Participatory Art and Human-Centered Technology” đã mang đến góc nhìn về vai trò của nghệ thuật và công nghệ trong quá trình chữa lành. Các diễn giả hàng đầu trong và ngoài nước đã chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng về sự kết hợp này nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong xã hội hiện đại.
Phiên thảo luận “Silent Harmonies: Healing with Participatory Art and Human-Centered Technology
Phiên thảo luận đặc biệt “Silent Harmonies: Healing with Participatory Art and Human-Centered Technology” (Silent Harmonies – Chữa lành với nghệ thuật và công nghệ lấy con người làm trung tâm) do bà Nurul Hanim Romainoor – Giảng viên từ Đại học Khoa học Malaysia làm chủ tọa, cùng với sự góp mặt của các diễn giả là Giáo sư Carlos Sena Caires đến từ Đại học Saint Joseph (Ma Cao); Tiến sĩ Jose Rafael Martinez Garcia đến từ Đại học Thiết kế và Công nghệ Singapore; và nghệ sĩ Datu Arellano đến từ Philippine. Chủ tọa và các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ các góc nhìn mới mẻ, đồng thời thúc đẩy ý thức về vai trò quan trọng của công nghệ và nghệ thuật trong việc tạo ra không gian chữa lành cho cộng đồng nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Thiết kế lấy con người làm trung tâm
Trong một thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự bùng nổ của công nghệ, không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà công nghệ mang lại trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và giải trí, chúng ta cũng phải đối mặt với những tác động tiêu cực của công nghệ đối với sức khỏe tinh thần của con người. Tiến sĩ Nurul Hanim Romainoor, trong bài trình bày của mình, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của thiết kế lấy con người làm trung tâm (human-centered design) trong việc đảm bảo rằng công nghệ không chỉ phục vụ sự phát triển về mặt vật chất mà còn đóng góp vào sự phát triển toàn diện của con người, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Tiến sĩ Nurul Hanim Romainoor- chủ tọa của phiên thảo luận đặc biệt
Quan điểm cốt lõi – thiết kế lấy con người làm trung tâm không chỉ đơn giản là việc tạo ra những sản phẩm công nghệ mà còn là việc đặt con người – với tất cả những nhu cầu, cảm xúc và hạn chế của họ – vào trung tâm của quá trình thiết kế và phát triển công nghệ. Điều này có nghĩa là người dùng không chỉ là một điểm dữ liệu hoặc một con số trong các nghiên cứu hoặc thử nghiệm, mà là những cá thể sống, có cảm xúc, có những nhu cầu về sức khỏe tinh thần và thể chất, có những giới hạn về khả năng sử dụng các công nghệ nhất định.
Thiết kế lấy con người làm trung tâm trong công nghệ
Việc áp dụng thiết kế lấy con người làm trung tâm trong công nghệ, đặc biệt là trong các thiết bị chăm sóc sức khỏe, có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc hỗ trợ sự cân bằng và hạnh phúc của con người. Một sản phẩm công nghệ tốt không chỉ phải hữu ích và hiệu quả về mặt chức năng, mà còn phải hiểu được những cảm xúc và nhu cầu sâu sắc của người dùng. Khi người dùng cảm thấy rằng công nghệ được thiết kế để hỗ trợ họ thay vì khiến họ cảm thấy căng thẳng, mất tự tin hay khó chịu, họ sẽ dễ dàng sử dụng hơn, qua đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống một cách bền vững.
Tiến sĩ Nurul Hanim Romainoor chia sẻ một vài thiết bị thể dục có thiết kế không phù hợp gây cho người dùng căng thẳng
Một ví dụ điển hình về việc thiết kế công nghệ không phù hợp với nhu cầu của người dùng là các thiết bị thể dục (fitness devices) hiện nay. Dù mục đích ban đầu của các thiết bị này là khuyến khích mọi người duy trì lối sống lành mạnh, nhưng khi được thiết kế không phù hợp, chúng có thể dẫn đến tác dụng ngược lại.
Nhiều thiết bị thể dục hiện nay yêu cầu người dùng phải tuân theo những tiêu chuẩn không thực tế hoặc đẩy họ vào những hoạt động quá mức, gây căng thẳng thay vì giúp họ thư giãn và cải thiện sức khỏe. Các thiết bị này có thể khiến người sử dụng cảm thấy áp lực khi không thể đạt được những mục tiêu mà thiết bị đề ra, từ đó gây ảnh hưởng đến tâm lý của họ. Những thông báo liên tục về các chỉ số sức khỏe hoặc các khuyến cáo có thể khiến người dùng cảm thấy bị giám sát và thiếu quyền kiểm soát, làm tăng cảm giác lo âu và căng thẳng thay vì sự hài lòng và thoải mái.
Điều này chỉ ra rằng một thiết kế không chú trọng đến tâm lý và nhu cầu của người dùng có thể tạo ra hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần của họ. Vì vậy, việc áp dụng các nguyên lý thiết kế lấy con người làm trung tâm trong các thiết bị này là vô cùng quan trọng. Nếu các nhà thiết kế có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu cảm xúc và tâm lý của người dùng, họ sẽ có thể tạo ra những sản phẩm không chỉ giúp nâng cao sức khỏe thể chất mà còn hỗ trợ họ cảm thấy bình an và thoải mái trong suốt quá trình sử dụng.
Kampung Akuarium và dự án “Vertical Kampung” – Biểu tượng của hy vọng
Một trong những điểm nhấn của phiên thảo luận là câu chuyện đầy cảm hứng về Kampung Akuarium, một cộng đồng cư dân bị cưỡng chế di dời tại Indonesia được chia sẻ bởi Tiến sĩ Jose Rafael Martinez Garcia đến từ Đại học Thiết kế và Công nghệ Singapore. Những người dân nơi đây đã đứng lên đấu tranh để bảo vệ quyền sống và giữ gìn bản sắc văn hóa. Dự án “Vertical Kampung” là kết quả của những nỗ lực đó – một mô hình kiến trúc không chỉ là nơi sinh sống mà còn là biểu tượng đoàn kết và hy vọng. Đối với cộng đồng, đây là một bước tiến lớn, biến không gian sống thành biểu tượng của sự kết nối và sức mạnh tinh thần. Dự án “Vertical Kampung” là một minh chứng rõ ràng về vai trò quan trọng của nghệ thuật và thiết kế trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Đặc biệt, việc kết hợp nghệ thuật và thiết kế trong các mô hình đô thị như vậy không chỉ giúp bảo tồn những yếu tố văn hóa truyền thống mà còn giúp tái tạo và phát triển các giá trị đó trong một bối cảnh mới. Với dự án này, nghệ thuật không chỉ là những tác phẩm trang trí hay yếu tố thẩm mỹ, mà là phần cốt lõi của việc xây dựng không gian sống, tạo dựng cộng đồng và thúc đẩy sức khỏe tinh thần của người dân.
Tiến sĩ Jose Rafael Martinez Garcia đến từ Đại học Thiết kế và Công nghệ Singapore chia sẻ về Kampung Akuarium và dự án “Vertical Kampung”
Các nghệ sĩ và kiến trúc sư trong dự án đã khéo léo tích hợp các yếu tố văn hóa địa phương vào trong thiết kế kiến trúc, giúp cộng đồng không chỉ cảm thấy thoải mái với không gian sống mới mà còn giúp họ duy trì và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời. Các chi tiết trang trí, các biểu tượng văn hóa địa phương được sử dụng một cách tinh tế trong các khu vực chung của tòa nhà, không chỉ làm đẹp không gian mà còn giúp mỗi cư dân cảm nhận được mối liên hệ mật thiết với cộng đồng và những giá trị họ đang bảo vệ.
Các nghệ sĩ và kiến trúc sư trong dự án trao đổi về thiết kế Vertical Kampung
Bên cạnh đó, Nghệ sĩ Datu, một tên tuổi nổi tiếng trong làng nghệ thuật Philippines, đã chia sẻ những kinh nghiệm sâu sắc về cách thức nghệ thuật có thể trở thành công cụ hữu hiệu trong việc chữa lành, giúp con người vượt qua những tổn thương tinh thần và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Những câu chuyện, dự án nghệ thuật và trải nghiệm thực tế mà Datu giới thiệu không chỉ thu hút sự chú ý của các đại biểu tham gia hội nghị mà còn mở ra một góc nhìn mới về mối quan hệ giữa nghệ thuật, cộng đồng và sức khỏe tâm lý.
Nghệ sĩ Datu chia sẻ về tác động của nghệ thuật đến chữa lành tâm hồn
Giáo sư Carlos Sena Caires đến từ Đại học Saint Joseph, Ma Cao chia sẻ về những số liệu minh chứng cho tác động của ArtTech đến chữa lành tâm hồn
Sinh viên và bài học về sự kết nối giữa nghệ thuật và công nghệ
Phiên thảo luận khuyến khích các bạn sinh viên không chỉ lắng nghe mà còn tham gia bàn luận về cách mà nghệ thuật và công nghệ có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội. Các diễn giả đã khơi dậy ở sinh viên khả năng tư duy phản biện, thúc đẩy sự sáng tạo trong cách họ nhìn nhận các giải pháp công nghệ hiện đại. Qua đó, các bạn không chỉ hiểu rõ hơn về vai trò của nghệ thuật trong chữa lành mà còn nhận thấy rằng công nghệ nhân văn là nền tảng giúp duy trì một xã hội an lành và phát triển bền vững.
Sinh viên lắng nghe chia sẻ của các diễn giả
Phiên thảo luận đã đưa ra nhận định rằng nghệ thuật và công nghệ nhân văn có khả năng tác động mạnh mẽ đến tinh thần và cảm xúc của con người. Bên cạnh đó,các diễn giả đã nhấn mạnh rằng công nghệ hiện đại dù đem lại nhiều tiện ích nhưng nếu thiếu đi tính nhân văn, có thể tạo ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý. Qua những ví dụ sống động và câu chuyện từ thực tiễn, người tham dự có thể nhận ra rằng nghệ thuật và công nghệ không chỉ là phương tiện mà còn có thể trở thành “công cụ” hỗ trợ trong việc kết nối cộng đồng, tạo cảm giác an lành, và mang lại hiệu quả chữa lành sâu sắc. Thông điệp về nghệ thuật và công nghệ nhân văn trong buổi chia sẻ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các sinh viên. Với kiến thức mới và động lực từ “Silent Harmonies”, các bạn sẽ tiếp tục hành trình sáng tạo, biến những lý tưởng nhân văn thành hiện thực thông qua những dự án mang tính cộng đồng và bền vững.
ATF24 – Nền tảng góp phần định hướng tương lai cho thế hệ trẻ sáng tạo hướng đến bền vững
Nằm trong xu thế phát triển của lĩnh vực ArtTech, chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion (ATF) được tổ chức thường niên do ArtTech Hub (ATH), các đơn vị thuộc Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD), Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đăng cai và phối hợp cùng các đơn vị trong và ngoài nước với các chủ đề khác nhau qua từng năm.
Năm 2024 là lần thứ 3 chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion được tổ chức với chủ đề “New ArtTech for Future Generations” nhằm khơi dậy, phát huy tư duy sáng tạo và hành động đổi mới của thế hệ tương lai, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
Xuyên suốt hành trình ATF24 trong 03 ngày (22-24/10/2024) là hơn 30 hoạt động học thuật, thực tiễn gồm 05 bài tham luận chính (Keynote Speeches), 10 phiên thảo luận đặc biệt (Special Sessions),05 phiên trình bày bài nghiên cứu song song (Parallel sessions), 05 Workshops, 01 ấn phẩm sách học thuật (Book Chapter), 09 triển lãm (Exhibitions), 01 chuyến kết nối di sản (Heritage Connection Trip), 01 buổi biểu diễn nghệ thuật (Tangible Performance).
Tác giả: ThS. Trần Lê Quỳnh Anh, Phan Ngọc Thủy Tiên – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.
Tin, ảnh: Tác giả, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác UEH
Giọng đọc: Thanh Kiều