ArtTech - Một xu hướng tương lai
ArtTech (Art and Technology), tích hợp giữa nghệ thuật và công nghệ, là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ. Mọi người thường hay lầm tưởng ArtTech đơn thuần là việc ứng dụng công cụ kỹ thuật số vào nghệ thuật. Không chỉ vậy, ArtTech còn là sử dụng công nghệ để tạo ra các trải nghiệm nghệ thuật tương tác độc đáo, mang đến những trải nghiệm sống động, đắm chìm và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người xem. ArtTech thường bao gồm sự kết hợp của các lĩnh vực như nghệ thuật số, thiết kế đa phương tiện, thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR), NFT, Robot Art, Virtual Human, Interactive Art, Real time Graphics, Generative Art, và nhiều công nghệ khác để tạo ra các trải nghiệm nghệ thuật mới mẻ và độc đáo.
Theo TS. Dong Su Yi – Phó Trưởng Khoa Thiết kế – Truyền thông UEH (Nguyên Giám đốc Sáng tạo Toàn cầu của Ogilvy & Mather) cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, ArtTech đóng vai trò như điểm giao cắt quan trọng giữa sức sáng tạo nghệ thuật và tiến bộ công nghệ. Lịch sử cho thấy, những những nhà đổi mới tiên phong mang tầm nhìn cấp tiến như Nam June Paik, với những phát kiến đột phá trong lĩnh vực nghệ thuật video đã dự đoán về sự tích hợp ArtTech này. Hay Steve Jobs nổi tiếng trong việc kết hợp giữa tính thẩm mỹ trong thiết kế và công nghệ, đã minh chứng cho khẳng định rằng đỉnh cao của sự tiến bộ công nghệ nằm ở sự giao thoa với nghệ thuật. Xu hướng tương lai chính là sự hòa quyện giữa nghệ thuật và công nghệ.
ArtTech mang lại những trải nghiệm đắm chìm và sáng tạo vì sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật, triết học và khoa học. Bên cạnh vận dụng sức sáng tạo của nghệ thuật để khám phá, thách thức và mở rộng giới hạn của công nghệ, ArtTech cũng thúc đẩy những chiêm nghiệm sâu sắc về bản chất và giá trị của nghệ thuật, cùng với việc sử dụng khoa học và triết học để tạo ra những góc nhìn mới về nghệ thuật. Điều này giúp mở ra những tiềm năng không giới hạn trong nghệ thuật, với những cơ hội sáng tạo mới và thách thức các quan niệm truyền thống về nghệ thuật và công nghệ. Do đó, đầu tư cho việc đào tạo về lĩnh vực ArtTech sẽ tạo điều kiện cho một thế hệ mới, sẵn sàng sáng tạo và đóng góp cho những đổi mới về nghệ thuật, thay vì chỉ hưởng thụ nó.
ArtTech đã đạt được một số thành tựu trong thời gian qua. Nghệ thuật tương tác sử dụng AR/VR cho phép người xem tham gia và tương tác với tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, tượng điêu khắc số với công nghệ CNC (Computer Numerical Control) và in 3D đã cho phép nghệ sĩ tạo ra các tượng điêu khắc số phức tạp, chi tiết với độ chính xác cao. Ngoài ra, các liveshow ứng dụng công nghệ mới và sự kiện nghệ thuật hiện đại thường sử dụng ánh sáng, âm thanh, hình ảnh số, và các hiệu ứng kỹ thuật để tạo ra trải nghiệm sống động và đắm chìm cho khán giả. Ví dụ, Đại hội thể thao châu Á 2023 đang diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ 23/9 đến 8/10/2023, đã sử dụng ArtTech để tạo ra một trải nghiệm thể thao độc đáo bằng cách kết hợp các yếu tố nghệ thuật và công nghệ để làm cho sự kiện thể thao trở nên hấp dẫn hơn đối với khán giả bằng cách dùng big data, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo. Các biểu tượng đại diện (avatar) có khả năng di chuyển, nhảy, tham gia và thậm chí tham gia vào thế giới Metaverse của “Hangzhou Games,” nơi diễn ra các trò chơi thể thao thực tế ảo tương tác với linh vật của Á vận hội. Các vận động viên và du khách có thể tới các xe bán kem di động tự động, và chỉ cần thực hiện các động tác cơ bản như vẫy tay để có thể lựa chọn từ một loạt các hương vị kem đa dạng, bao gồm bơ, đào và vani. Các booth chụp ảnh được trang bị 140 máy ảnh nhỏ có khả năng tạo ra hình ảnh đại diện 3D sáng tạo cho khách tham quan chỉ trong thời gian từ 5 đến 8 phút.
ArtTech đang trở thành một xu hướng toàn cầu với 04 nhánh nổi bật. Một là Interactive Installations (Nghệ thuật sắp đặt tương tác), với triết lý “mở rộng trải nghiệm đa giác quan”, việc sắp đặt nghệ thuật ngày càng trở nên tương tác hơn. Bằng cách sử dụng cảm biến, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo, ArtTech tạo ra những trải nghiệm tương tác, mở rộng giới hạn của nghệ thuật truyền thống. Hai là Virtual Art Galleries (Phòng trưng bày nghệ thuật ảo), trong thế giới số hóa, các rào cản về địa lý đang bị phá vỡ, việc tổ chức triển lãm và các phòng trưng bày nghệ thuật ảo trực tuyến cho phép các nghệ sĩ có một nền tảng để kết hợp các góc nhìn từ toàn cầu, vì các tác phẩm và triển lãm có thể truy cập và chia sẻ trên khắp thế giới thông qua internet, loại bỏ những hạn chế về địa lý và thời gian. Điều này thúc đẩy sự đa dạng và sáng tạo trong nghệ thuật, cho phép nghệ sĩ tương tác với khán giả trên phạm vi quốc tế một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Ba là NFTs (Non-Fungible Tokens), tái định hình giá trị của nghệ thuật ở khía cạnh số hóa. NFTs xác thực giá trị của các nghệ sĩ số hóa và mang tính thực tế vào các tác phẩm ảo. Bốn lả AI-Created Art (Nghệ thuật sáng tạo bởi AI), thách thức bản chất của sự sáng tạo chính là điểm mấu chốt của nghệ thuật được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI), làm mờ ranh giới giữa sự tưởng tượng của con người và sự chính xác của máy móc. Điều này tạo ra những tác phẩm có thể đạt được độ chính xác và sức sáng tạo vô hạn.
Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, ArtTech đã phát triển đáng kể trong nhiều lĩnh vực như marketing, quảng cáo, truyền thông, tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, công nghiệp giải trí,… Các tổ chức nghệ thuật và doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư và hỗ trợ các dự án ArtTech, tạo điều kiện cho nghệ sĩ và nhà phát triển công nghệ phát triển các ý tưởng sáng tạo. Ví dụ, chuỗi triển lãm Đủ, Lit – Bật sáng, Dưới Ánh Mặt Trời – Under The Sun,… do công ty bảo hiểm Sunlife tổ chức đã thể hiện sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật và công nghệ số. Ngoài ra, các nghệ sĩ thị giác Việt Nam đã cùng hợp tác để tạo ra bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số mang tên Sốnglab quy mô hơn 1.000m2 tại Huế. Đây là một không gian kết hợp giữa công nghệ – nghệ thuật – giải trí và giáo dục, mang tới cho khách tham quan những trải nghiệm độc đáo, đồng thời giúp khách tham quan có một cách nhìn sống động về văn hóa địa phương. Ngày càng có nhiều nghệ sĩ số hóa và sử dụng công nghệ để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật số, từ hội hoạ số đến điêu khắc 3D và nghệ thuật VR/AR. NFTs cũng đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của các nghệ sĩ và thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật NFTs tại Việt Nam. Nằm trong xu thế đó, Đại học UEH đang xây dựng và dự kiến sẽ triển khai chuyên ngành đào tạo ArtTech trong thời gian tới.
Tóm lại, ArtTech đang thực sự là một xu hướng tương lai, với tiềm năng mang lại nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo, trong nhiều ngành nghề cả ở quy mô toàn cầu và tại Việt Nam. Chúng ta cùng chờ đón nhiều điều thú vị từ bộ đôi “Art” và “Tech” này trong thời gian tới nhé.
*ArtTech Fusion 2023 (ATF) diễn ra từ ngày 13 – 15/10/2023, tại các cơ sở A, B, V của UEH. ArtTech Fusion 2023 gồm 16 exhibitions, 5 seminars, và 1 interactive performance. ArtTech Fusion hướng đến ứng dụng ArtTech như một công cụ để giải quyết các vấn đề xã hội và ngành nghề thông qua giáo dục và nghiên cứu nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời là môi trường để khuyến khích sự đổi mới sáng tạo và truyền cảm hứng nghệ thuật hướng tới hành động bền vững.
University of Economics Ho Chi Minh City – School of Media Design